Tuesday, June 21, 2011

Liệu Hoa Kỳ có kiềm chế được Trung Quốc?

Hai người viết của phương Tây bất đồng về chuyện liệu Hoa Kỳ có thể kiểm soát được Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Thạc sỹ Eleni Ekmektsioglou, hiện là chuyên viên của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, hôm 20/6 có Bấm bài viết tới tựa đề: "Tại sao Hoa Kỳ Không thể Kiềm chế Trung Quốc?"

Trong khi đó một ngày trước đó cây viết Arthur Herman, có sách vào chung khảo giải Pulitzer 2009, lại Bấm có bài với dòng tít "Sự Ngang ngạnh của Bắc Kinh - Tại sao Việt Nam muốn chúng ta trở lại" nói về vai trò mà Hoa Kỳ có thể đảm đương ở Thái Bình Dương.

Eleni Ekmektsioglou nói môi trường chiến lược ở Đông Nam Á là "cực kỳ phức tạp" và bởi vậy không phù hợp với các chiến lược kiềm chế quy ước.

Một trong các lý do là tầm quan trọng của Trung Quốc về mặt kinh tế đối với Đông Nam Á. Bắc Kinh và khối các nước ASEAN thậm chí đã ký Hiệp ước Thương mại Tự do, vốn có hiệu lực từ đầu năm nay.

Bà Ekmektsioglou viết: "Đối với hầu hết các nước ASEAN, Trung Quốc thuộc nhóm năm bạn hàng lớn nhất. Còn đối với Trung Quốc, khối ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư".

Phân tích gia Ekmektsioglou cũng đưa ra một lý do mà bà cho là quan trọng hơn:

"Rào cản lớn nhất đối với bất kỳ cố gắng nào của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc là quan điểm khá nước đôi của các nước Đông Nam Á về sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực".

Ví dụ bà đưa ra là tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hồi tháng Bảy năm ngoái ở Hà Nội không chỉ bị Bắc Kinh phản đối mà cả một số nước Đông Nam Á.

Các nước ASEAN, theo Eleni Ekmektsioglou, không muốn bị kẹt vào tình huống giống thời chiến tranh lạnh khi họ phải chọn giữa hai siêu cường thế giới.

'Mạnh và tự tin'

Trong khi đó cây viết Arthur Herman nói các vấn đề trong nội bộ Trung Quốc đã khiến nước này "mạo hiểm và ngạo mạn" với thế giới bên ngoài.

Ông nhận định: "Bắc Kinh đã phô trương cơ bắp quân sự mới và các tham vọng địa chính trị đối với các nước láng giềng."

"Cùng với các vụ tin tặc toàn cầu, Trung Quốc trông không giống một siêu cường đang lên mà giống như một kẻ bắt nạt mất kiểm soát."

Arthur Herman nói thái độ của Việt Nam tạo cho Hoa Kỳ một cơ hội để khép lại cuộc chiến gây chia rẽ nhất và tìm cách tiếp cận thực tế hơn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo ông Herman, bản thân Trung Quốc đang có những vấn đề của họ với một loạt các vụ bạo lực, thậm chí cả các vụ nổ bom chống lại chính quyền trong thời gian gần đây.

Một Hoa Kỳ mạnh và tự tin có thể buộc Bắc Kinh thôi thói bắt nạt và tập trung vào cải cách ở trong nước trước khi kinh tế sụt giảm và bất ổn lan rộng.
Arthur Herman

Tổng số các vụ lộn xộn mà chính quyền gọi là "sự cố hàng loạt" đã tăng nhanh và chỉ riêng trong năm 2008 đã có 127.000 vụ như vậy.

Arthur Herman nhận định giá dầu tăng cao và lạm phát đang xóa đi nhiều thành tựu kinh tế của Trung Quốc sau giai đoạn tăng trưởng trung bình hơn 6% một năm về tổng sản phẩm quốc nội trong giai đoạn 1978-2003.

Người dân Trung Quốc, ông nói, hiện đang muốn sống theo cách của họ sau những năm tự do kinh tế.

Tác giả nói thêm: "Cuối cùng thì [Hoa Kỳ] đương đầu với Trung Quốc có thể là điều tốt nhất cho chính người Trung Quốc."

"Một Hoa Kỳ mạnh và tự tin có thể buộc Bắc Kinh thôi thói bắt nạt và tập trung vào cải cách ở trong nước trước khi kinh tế sụt giảm và bất ổn lan rộng. Đó là điều người Trung Quốc không muốn và chúng ta không cáng đáng nổi."

Thursday, June 16, 2011

'Tiền đồng VN sẽ còn mất giá'

 


Một nhân viên đếm đô la ở Hà Nội
Các chuyên gia nhận định đồng Việt Nam sẽ còn mất giá so với đô la
Hãng tin Bloomberg trích lời các chuyên gia nói sự ổn định của tiền đồng chỉ là tạm thời và nó sẽ tiếp tục yếu đi vào cuối năm.
Trong bản tin ngày 16/6, Bloomberg nói Credit Suisse Group AG cho rằng đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá thêm 1,4% xuống mức 20.900 đồng/một đô la vào cuối năm 2011 và 21.400 đồng được một đô la vào cuối năm 2012.
"Sự kết hợp của lạm phát cao, tăng trưởng chậm và các dấu hiệu về khó khăn tài chính có nhiều khả năng sẽ gây lo ngại cho giới đầu tư trong những tháng tới đây," kinh tế gia Satitarn Sathirathai của Credit Suisse nhận định.
Tiền đồng đã bị phá giá bốn lần kể từ năm 2009 và hồi tháng Hai năm nay giảm giá trị 8,5% so với đô la Mỹ cho dù hiện đã lên giá thêm khoảng 1,6% kể từ tháng Hai.
Bloomberg nói hiện tiền đồng dao động ở mức 20.346 tới 20.760 so với đồng đô la.
Các chuyên gia nhận xét tiền đồng hiện đang tạm thời ổn định do Ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng tăng dự trữ đô la và giảm lãi suất tiền gửi bằng đô la Mỹ trong khi lãi suất tiền đồng tiếp tục tăng.
Nhưng ông Sathirathai nói sự ổn định hiện nay của tiền đồng chỉ là tạm thời và có thể tạo "cảm giác an toàn giả tạo".
Tăng trưởng giảm
Trong tuần trước Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng nói sự ổn định của tiền đồng chỉ là "hiện tượng tạm thời".
Đại diện cao cấp của quỹ này nói ba câu hỏi đặt ra là liệu Ngân hàng Trung ương có tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay, nhà nước có thực sự quyết tâm giảm thâm hụt ngân sách và giải quyết tình trạng mong manh của các tập đoàn và các ngân hàng.
Sức mua của tiền đồng giảm tới gần 20% trong tháng Năm, mức cao nhất từ năm 2008.
Chính phủ Việt Nam nói tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,6% trong nửa đầu năm nay và giảm dự đoán tăng trưởng cho cả năm xuống mức 6% so với mức 7-7,5% hồi đầu năm.
Credit Suisse trong khi đó cũng giảm mức tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,8% cho cả năm từ mức 6,2% mà họ đưa ra trước đó.
Trong một diễn biễn tích cực, Bloomberg nói dự trữ ngoại hối của Việt Nam tăng 900 triệu đô la trong tháng năm lên 13,5 tỷ, tương đương với giá trị hàng nhập khẩu của sáu tuần.
Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam cần tăng mức dự trữ ngoại hối lên bằng giá trị của 10 tuần nhập khẩu.
Họ cũng nói niềm tin ít ỏi của người Việt đã khiến họ chuyển tiền tiết kiệm sang vàng, đô la và bất động sản và điều này càng làm đô la thêm khan hiếm.

Sunday, June 12, 2011

Đơn Độc

Huy Đức

Người dân ở Hà Nội và Sài Gòn đã lại xuống đường. Mặc dù mục tiêu của những cuộc tuần hành sáng 12-6-2011 vẫn là Trung Quốc, chính quyền đã cứng rắn hơn. Có lẽ, họ đã quên mất, mỗi khi đất nước có hiểm họa xâm lăng thì mục tiêu của dân chúng là những kẻ đang rập rình ngoài bờ cõi. Người dân vẫn còn nhớ, đất đai của tiền nhân thường hay bị mất mỗi khi “ở trong tường vách, da thịt tàn nhau”.

Hơn 300 năm trước, các Chúa Nguyễn đã đưa người đến Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1816, Gia Long chính thức thiết lập chủ quyền Việt Nam đối với cả hai quần đảo. Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, bản vẽ năm 1838 của Nhà Nguyễn đã thể hiện hai quần đảo này với tên gọi là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa. Năm 1920, Chính quyền Pháp, với tư cách là nhà nước bảo hộ ở Đông Dương đã ra tuyên bố khẳng định chủ quyền và từ đó người Pháp hiện diện ở đây liên tục. Tháng 11-1946, khi người Pháp bắt đầu chiến tranh trở lại với Việt Minh, chỉ có thể đưa quân kiểm soát cụm phía Tây Hoàng Sa, Tưởng Giới Thạch đã cho đổ bộ lên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa và tháng 12-1946, đổ bộ lên Itu Aba, thuộc Trường Sa. Sau khi bị Mao đuổi khỏi lục địa Trung Hoa, năm 1950, quân Tưởng rút khỏi hai hòn đảo mà họ giữ gần 4 năm trước đó.

Năm 1954, theo Hiệp định Geneve, Hoàng Sa ở phía Nam Vĩ tuyến 17 sẽ thuộc về chính quyền miền Nam Việt Nam. Nhưng, tháng 4-1956, khi lực lượng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa ra tiếp quản, hai đảo lớn nhất đã bị “Quân giải phóng Trung Quốc” chiếm mất. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên thực tế, cai quản liên tục bốn đảo chính: Pattle (Hoàng Sa); Robert (Cam Tuyền); Duncan (Quang Hòa Đông) và Drummond (Duy Mộng). Riêng đảo Pattle, Việt Nam còn có một đài khí tượng thuộc hệ thống quốc tế. Từ năm 1956, Việt Nam Cộng hòa, về mặt pháp lý, vẫn khẳng định chủ quyền trên phần bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Tháng 4-1972, khi miền Bắc dồn lực trong một chiến dịch thảm khốc ở Quảng Trị. Người Mỹ cần Bắc Kinh làm ngơ để họ dội bom ra vĩ tuyến 20. Ngày 4-4-1972, Kissinger đã phái Winston Lord tới New York gặp Hoàng Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, để “trao một bức điện bằng lời”, nhắn Trung Quốc: “Hải quân Mỹ sẽ được lệnh ở lại tại khoảng cách 12 dặm”. Người Trung Quốc hiểu, nếu họ đánh Hoàng Sa, người Mỹ sẽ án binh bất động. Từ ngày 16-1-1974, Trung Quốc bắt đầu cho tàu ép sát Hoàng Sa. Theo Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại: “Các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ ở rất gần các vị trí chiến hạm Việt Nam”. Nhưng, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã phải đơn độc chống lại Trung Quốc xâm lăng. Theo tướng Thoại: “Hạm Đội Bảy của Mỹ đã không làm gì kể cứu vớt các đồng minh lâm nạn”. Kể từ ngày 19-1-1974, phần còn lại của Hoàng Sa Việt Nam bắt đầu bị Bắc Kinh chiếm đóng.

Tướng Giáp nhận được tin mất Hoàng Sa khi ông đang điều trị bệnh sỏi mật ở Liên Xô. Năm 1975, sau “chiến thắng Buôn Ma Thuột”, Tướng Giáp kiến nghị Bộ Chính trị “tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo” mà miền Nam đang chiếm giữ. Ngày 2-4-1975, Tướng Giáp trực tiếp chỉ thị cho Tướng Lê Trọng Tấn lúc bấy giờ đang ở Đà Nẵng: “Tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”. Trước đó, ngày 30-3, Quân ủy cũng điện cho Võ Chí Công và Chu Huy Mân yêu cầu thực hiện. Chiều 4-4-1975, Quân ủy điện tiếp cho Quân khu V: “Kịp thời đánh chiếm các hòn đảo vùng Nam Hải, đặc biệt là các đảo Nam Sa. Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết”. Ngày 9-4-1975, Cục Quân báo có tin quân đội Sài Gòn rút khỏi các đảo, Quân ủy gửi điện “tối khẩn” cho Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Phó Tư lệnh Hải quân Hoàng Hữu Thái: “Các anh cho kiểm tra và hành động kịp thời… Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện này một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm”. Từ ngày 14-4-1975 đến ngày 28-4-1975, Quân Đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản tất cả những hòn đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ.

Cho dù, theo lệnh ngày 13-4-1975 của Tướng Giáp, Quân đội miền Bắc đã không đụng vào các hòn đảo do Trung Quốc khi ấy đang chiếm giữ. Nhưng, ngày 5-5-1975, khi Đài Tiếng nói Việt Nam công bố, “Hải quân Việt Nam đã giải phóng quần đảo Trường Sa”, một phóng viên Tân Hoa Xã tên là Lăng Đức Quyền (Ling Dequan) đang thường trú tại Hà Nội đã thấy “đắng chát ở trong miệng”. Ling Dequan, sau đó, nói Nayan Chanda: “Tin Việt Nam chiếm các hòn đảo đến như một cú shock vì trước đó họ đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên những hòn đảo ấy”. Mân Lực, tác giả cuốn sách “Mười năm chiến tranh Trung-Việt”, cũng gọi hành động tiếp quản Trường Sa của Hải Quân Việt Nam là “ngang nhiên chiếm đóng 4 đảo trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”. Vì theo Mân Lực: “Từ năm 1958, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã thông báo cho Thủ tướng Chu Ân Lai, rõ ràng xác nhận hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng hiện nay họ tiền hậu bất nhất ngang nhiên tuyên truyền đây là lãnh thổ của họ, sửa đổi bản đồ vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Việt Nam”.

Ngày 4-9-1958, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyên bố: “Hải phận 12 hải lý kể từ đất liền là của Hoa Lục”. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai công hàm mà đời sau có thể đọc được toàn văn trên báo Nhân Dân số ra ngày 22-9-1958: “Thưa đồng chí Tổng lý/ Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt bể. Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.

Cho dù, theo Mân Lực, Tuyên bố của Chu Ân Lai “có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải rất rõ ràng (trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)”. Cho dù, theo ông Trần Việt Phương, người có 25 năm làm thư ký riêng cho Phạm Văn Đồng: “Lúc bấy giờ quan hệ Việt-Trung đang rất tốt. Về phía Việt Nam, đang có quan niệm ngây thơ về chủ nghĩa quốc tế vô sản; quan niệm ngây thơ từ người cao nhất của Ta chứ không phải ở cấp độ vừa. Về phía Trung Quốc hiểu ra sự ngây thơ đó và đã có ý đồ không tốt. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam có trong máu hàng nghìn năm kinh nghiệm với Trung Quốc để, cho dù có sự ‘ngây thơ quốc tế vô sản’ cũng không đến mức có thể dẫn tới sự nhầm lẫn hoàn toàn”. “Công hàm 1958” là tuyên bố của một đồng minh, được đưa ra khi Mỹ đưa Hạm đội 7 hoạt động trên eo biển Đài Loan và đe dọa chủ quyền của “đồng minh” Trung Quốc. Cho dù, “Công hàm 1958” tuyên bố những gì thì nó cũng hoàn toàn không có giá trị công nhận Hoàng Sa là của Bắc Kinh. Từ năm 1954 đến trước ngày 30-4-1975, theo Hiệp định Geneve được ký bởi các bên trong đó có Hà Nội và Bắc Kinh, thì Hoàng Sa và Trường Sa - ở thời điểm 1958 - không phải là phần thuộc về miền Bắc mà đang là lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam Cộng hòa, một quốc gia vẫn có mặt ở các diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

Sở dĩ những nhà văn, nhà báo như Lăng Đức Quyền, Mân Lực, bị shock khi nghe tin Việt Nam lấy lại Trường Sa, theo nhà nghiên cứu Dương Danh Di, với chính sách bưng bít thông tin, người dân Trung Quốc không hề biết Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ mà Việt Nam đã có chủ quyền liên tục hàng trăm năm, là phần lãnh thổ mà Chính quyền của họ mới “dùng vũ lực để cưỡng đoạt” trong thế kỷ 20 như những tên xâm lược.

Báo chí chính thống của Việt Nam, từ năm 1958, chưa bao giờ nhắc lại “Công hàm” của Phạm Văn Đồng, chưa giải thích “nội hàm” của tuyên bố ấy. Chính quyền, đã tới lúc nên tuyên bố về giới hạn pháp lý của Công hàm này, nên thừa nhận bản hiệp định (Geneve) mà mình đã đặt bút ký vào theo đó, Hoàng Sa và Trường Sa từ trước 30-4-1975 là phần lãnh thổ thuộc về Chính quyền Sài Gòn, nên dẫu Hà Nội có đưa ra tuyên bố gì thì cũng phải bị coi là “vô giá trị”. Đây không còn là chuyện “ăn-thua” với người anh em miền Nam mà là “mất-còn” với ngoại xâm. Đây cũng là lúc mà người dân tạm gác các bức xúc thường nhật để tập trung vào mối đe dọa đến từ phương Bắc.

Kinh nghiệm từ “Trận tử chiến Hoàng Sa” năm 1974, mọi hành động trên biển đông là để giữ đảo chứ không phải để chứng minh lòng dũng cảm. Nhưng, trước cùng một sự kiện, Hải quân và thường dân đôi khi vẫn có những sứ mệnh khác nhau. Người dân không có trách nhiệm phải cân nhắc mối tương quan sức mạnh giữa hai quốc gia. Người dân có khát vọng chứng minh: Một dân tộc nhỏ hơn không có nghĩa là cam lòng sợ hãi.

Những thanh niên, trí thức, thường dân hôm nay, 12-6-2011, biết chính quyền đang phải chịu những sức ép nào và những sức ép ấy giờ đây lại dồn lên vai họ. Nhưng, hàng ngàn người dân vẫn phải xuống đường. Họ không chỉ đòi lại đoạn cáp thứ hai bị chính quyền hải tặc Trung Quốc cắt trong vòng chỉ hơn một tuần. Họ muốn nói với người phương Bắc, cho dù lịch sử có trải thêm mấy nghìn năm, cho dù bị lừa phỉnh bởi “tình láng giềng, đồng chí”, người Việt Nam vẫn hiểu Trung Quốc là ai và bảo vệ chủ quyền là ý chí không có gì lay chuyển được.

Không phủ nhận những lý do dẫn đến nỗi sợ mơ hồ trong những ngày này. Nhưng, cũng trong những ngày này, chính quyền có cơ hội không hề mơ hồ để đứng bên cạnh nhân dân, đoàn kết mọi người Việt Nam, không chỉ để cho mục tiêu chống ngoại xâm mà còn có thể cho mục tiêu “ổn định”. Chảy nước mắt khi cảm thấy dân mình đơn độc.

12/06 - Ngày Yêu Nước o saigon